Tản Mạn Về

Mùa Hè Và Ngày Ra Trường

Phạm Văn Hòa


 

Ở Việt Nam, mùa hè đánh dấu ngày ra trường, mà biểu tượng là những cánh phượng đỏ ngập đường như xác pháo.  Thời học sinh, mùa này đánh dấu bao sự thay đổi, ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm, viết bao nhiêu trang lưu bút ngày xanh . . lúc sỉ tử đến kỳ khảo thí, tương lai sự nghiệp vỏn vẹn trong mảnh giấy mà cả thời HS, HS nói chung học sinh sinh viên, khổ công để mong có được:  Mảnh Bằng!

Tại xã hội Hoa Kỳ, HS không có những thi vị mà chúng ta có được khi xưa.  Thay vào đó họ có những thú vui khác.  Không phượng thì có tường vi, trúc đào.   Không khí nhộn nhịp hẳn lên.  Các trường đua nhau làm lễ ra trường cho các HS trường mình.  Năm nay, tôi nhận được mấy thiệp mời dự lễ ở Houston, và ở Texas A&M.  Báo chí, quảng cáo, điện thư . . . đâu đâu tôi cũng nghe, đọc, thấy sự náo nức.  Người lo tìm việc làm, người lo chuyển trường, người lo chọn trường, chọn chỗ ở . . .  Các tiểu đăng khoa, đại đăng khoa vừa bước qua một cánh cửa học vấn.  Một cách của vừa rộng mở và một cánh cửa khép lại sau lưng, như  cuộc sống chúng ta từng bước qua biết bao cánh cửa cuộc đời. 

Nhớ lại, lúc mới đến Hoa Kỳ, các con thì còn nhỏ, các cháu thì chưa ra đời.  Người mình đi tị nạn, lo kiếm sống, lo nuôi con, bao nhiêu lo âu trong bước đầu chân ướt chân ráo nơi xứ người.  Vậy mà, thấm thoát bao năm rồi.  Các con cháu giờ lớn khôn, hầu như nhà nào cũng có con cháu đổ đạt.  Nhìn lại chặng đường gian khổ đã qua, rồi tự hỏi sao mình có đủ nghị lực, kiên trì để có được ngày hôm nay.  Thế hệ thứ nhất qua đi.  Thế hệ thứ một rưởi tấn lên.  Và thế hệ thứ hai bắt đầu nên hình nên vóc, với kiến thức của lớp người mới, với tương lai đầy ắp cơ hội để thăng tiến.  Vậy, thế hệ cha ông, hãy tự thưởng cho mình một hớp rượu nồng vì chúng ta đã đổ được nền móng vững chắc trên vùng đất mới, để con cháu chúng ta xây những căn nhà Việt Nam nho nhỏ trên quê người.

*

**   

Hôm nay tôi đến dự lễ ra trường high school của cô cháu tại Toyota Center, trong thành phố Houston.  Chỉ ngày hôm ấy thôi, tại đây có đến bốn trường làm lễ ra trường.  Người người ra vào tấp nập.  Các bải đậu xe quanh đây đầy nghẹt.  Đường sá ngày thường xe cộ chạy vù vù, thì hôm nay nhích nhích từng chút.  Người ta đi hẳn trên đường.  Cha me, bà con thân quyến nô nức, hớn hở vì là ngày vui của con cháu.  Một số dân với cách phục sức khác biệt, cho biết họ không phải sanh đẻ tại Hoa Kỳ.  Đủ thứ ngôn ngữ, ồn ào xa lạ, dù không hiểu nhưng trên nét mặt tôi như đọc được niềm vui.  Bà con, thân nhân của cháu tôi hôm đó cũng đông không kém!  Lăng xăng chụp hình kỷ niệm, trò chuyện vui vẽ.  Các cháu trẻ ăn mặc trang nhã làm dịu đi sự oi bức của mùa hè ở Houston.

Nhìn đám đông nhộn nhịp, tôi liên tưởng đến ngày ra trường của mình khi xưa.  Tôi phải đi thi 60 cây số xa nhà.  Trong khi chờ nghe kết quả, cũng ồn ào, cũng đủ thứ tin đồn dồn dập:  nào đậu rớt bao nhiêu phần trăm, hội đồng nào đậu nhiều hơn, hội đồng nào khó hơn,  có bao nhiêu được đậu vớt . . . Trong sân trường nào các thí sinh bu quanh các xe cóc ổi muối, xe nước mía, giải khát, sinh tố, bàn tán, lo lắng, bồn chồn.  Tương lai tùy thuộc vào kết quả kỳ thi để được tiếp tục sự học, hay phải lo khăn gói lên đường thi hành nhiệm vụ quân sự!    

Máy phóng thanh báo hiệu buổi lễ bắt đầu,

Tôi trở về thực tại,

Đứa cháu tôi sắp hàng đi lên nhận bằng, nhìn chúng tôi cười tươi vẫy chào.  Mẹ cháu nhìn con sung sướng.  Người mẹ đã thay chồng lo lắng cho con từ mười năm qua để có được ngày hôm nay.  Chắt chiu lo từng miếng ăn giấc ngủ.  Đưa đón con đi học không kể nắng mưa chỉ vì muốn con mình được an toàn.  Tìm lớp học thêm cho con chỉ mong con mình học hành giỏi dang nơi học đường.  Cho con học âm nhạc để làm hành trang cho cuộc sống con sau này đở tẻ nhạt.  Cho con hội nhập với bè bạn, thân quyến để tập làm quen với cuộc sống ngoài xã hội.  Khuyến khích con làm các công tác thiện nguyện cho chùa, nơi viện dưỡng lão để hiểu được tình thương và tâm linh là điều cần yếu cho cuộc sống.  Người mẹ có quyền hảnh diện vì đây không những là thành công cho cá nhân, cho gia đình . . . mà cho xã hội, vì người mẹ đã cho con mình tất cả cơ hội và hành trang để sau này trở thành người hữu dụng.  Đem sở học và tình thương làm điều công ích.  Người mẹ đã hy sinh tất cả và làm những gì khả dĩ để con mình được là người công dân tốt.  Người mẹ đã đi được một đoạn đường thiệt dài để có được ngày hôm nay.  Người con đã trải nhiều thử thách để qua được một ngưỡng cửa.  Còn bao nhiêu công khó nữa mà người mẹ, người con còn phải hy sinh!  Còn bao nhiêu ngưỡng cửa nữa mà người con phải chu toàn trong cuộc hành trình cho tương lai!  Tôi thầm cầu nguyện với lòng kiên nhẩn sẽ giúp hai mẹ con cháu tôi được toại nguyện điều ước nguyện.

Tò mò đọc tấm thiệp "The Commencement" của trường trên tay, tôi được biết học sinh Việt Nam tốt nghiệp tại trường này chiếm 13% , có một học sinh đậu á khoa và có sỉ số 21% đậu top 10%, trong đó có cháu tôi.  Nhìn chung con em Việt Nam đạt được thành quả rất khả quan nơi học đường.  Đây là điều vui cho bậc cha mẹ và là niềm hảnh diện cho người Việt ở hải ngoại.   Với lối suy luận này, người viết cảm thấy thật vui vì những người trẻ này là tương lai của cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại.  Chắc chắn, với tinh thần đoàn kết, óc sáng tạo, các cháu sẽ tạo cho người Việt chỗ đứng khá hơn chúng ta hiện nay ở xã hội Hoa Kỳ trong tương lai. 

Lễ phát bằng chấm dứt bằng truyền thống tung các "cap" lên cao.  Các cap tung bay như những con chim đủ lông đủ cánh sẳn sàng rời tổ bay đi bốn phương trời.  Nhìn các cháu trong "cap và gown" mà lòng rưng rưng, nao nao.  Rưng rưng vì được san sẻ niềm vui của các cháu hôm nay.  Còn nao nao vì hình ảnh này khơi lại kỷ niệm của lớp "già" chúng tôi hơn nữa thế kỷ trước. 

Thời gian qua mau, vậy mà như mới ngày nào!

Thuở đó, nước mình có nhiều kỳ thi lắm:  tiểu học, trung học đệ nhất cấp, tú tài bán phần, tú tài toàn phần.  Học sinh trải qua bao nhiêu đoạn đường khổ học vì chịu nhiều thử thách của một nền giáo dục theo mô hình "tam giác nhọn . . . thật nhọn".  Càng học lên cao càng khó khăn.  Thi viết đã khó, thi vấn đáp thì càng khó hơn.  Các vị giám khảo rất uy quyền, đậu rớt của thí sinh nằm trong tay.   Năm sáu chục năm qua rồi.  Hồi tưởng lại lối thi cử khi xưa ở Việt Nam nhân ngày các con cháu ra trường, chỉ vì những kỷ niệm thân thương ngày xưa có cơ hội trở về.  Thật nhiều thay đổi.  Dù vậy, tâm trạng và mục đích của các HS xưa nay đều như nhau, vì cùng đồng quy về tương lai và sự nghiệp.  Đối với người Việt chúng ta sống nơi quê người, thành công trên đường học vấn không những giúp chúng ta có tương lai, mà còn là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta thoát khỏi quỷ đạo kỳ thị chủng tộc nơi xứ người. 

Buổi lễ ra trường đã chấm dứt.  Tôi còn thấy náo nức vì được chia sẻ niềm vui với gia đình cháu tôi và mọi người chung quanh.  Bên ngoài ánh nắng chan hòa, cùng với màu sắc các loài hoa ưa nắng tạo thành bức tranh tươi thắm như tương lai con cháu chúng ta.  Tôi nghe tiếng ve ca ngợi mùa hè từ trên cao, cùng tiếng cười nói của đám người trẻ hợp thành tấu khúc mừng có ngày vui.  Rồi ngày vui này sẽ qua đi.  Bao nhiêu thử thách đang chờ người con, người mẹ, người cha để đến đích điểm. 

Cách nay khoảng 20 năm, tôi đã nhỏ giọt nước mắt sung sướng khi nhìn đứa con ra trường.  Hôm nay tôi thấy ánh mắt long lanh vì cảm xúc của người mẹ khi nghe tên con mình xướng lên, và mắt người mẹ ánh lên niềm hảnh diện khi đứa con đưa tay nhận mảnh bằng.  Và Hôm nay, tôi thấu hiểu hơn tâm trạng của cha mẹ tôi ngày xưa khi nghe con đổ đạt, bởi vì bậc cha mẹ Việt Nam lúc nào cũng nuôi con với điều tâm nguyện: 

"Con hơn cha mẹ là nhà có phúc" 

Tôi cầu nguyện mọi người trẻ đổ đạt hôm nay được toại điều mong ước, và cầu chúc tương lai cô cháu tôi rạng rở như ánh nắng hè. 

Phạm Văn Hòa