Truyện Ngắn
Tình Bạn Giữa Khỉ Và Rùa
Thích Nữ Hằng Như
(Tạp chí Xây Dựng – Năm thứ 35 – số
881 – phát hành ngày 20-1-2018 tại
Bà Hai
ngồi yên nhìn hai đứa cháu Nội chạy nhảy
đùa giỡn. Hết nhảy tưng
tửng, rồi giả làm xe đua cấm đầu
chạy vòng từ nhà bếp lên phòng khách. Hết
đường tiến tới thì bọn chúng quành
đầu chạy ngược lại, vừa chạy
vừa bóp còi miệng tynh tynh... báo động khách đi
đường nép sang một bên. Nhưng đâu có khách nào
ngoại trừ mấy con chó nhỏ chạy theo
đùa giỡn. Chạy mệt, chúng ngồi
xuống bày đồ chơi ra chơi. Không
được bao lâu. Chúng bắt
đầu ồn ào. Ồn ào thân và
ồn ào miệng. Ồn
ào thân là đứa này xô đẩy đứa kia ngã xuống thảm. Đứa
vừa ngã xuống thảm, nhanh chóng ngồi lại ngay
thẳng yên lặng. Tưởng nó quên
chuyện vừa xảy ra chắc? Không
đâu, nó im lặng không khóc, nhưng thình lình, nó
đứng dậy xô lại đứa nọ.
Đứa nọ là chị lớn hơn nó một chút,
nhờ lớn nên ngồi vững không té, nó không trả
đủa lại thằng em, nhưng mà cái miệng nó
cũng la lối om sòm, thằng nhỏ cũng bắt
chước con chị ồn ào cái miệng theo. Tiếng la
hét ỏm tỏi trong phòng khách nhỏ khiến người
nào không quen với cảnh này, chắc chắn người
đó sẽ rất mệt hai cái lỗ tai.
Chẳng phải chúng ghét giận gì nhau mà làm
vậy, chỉ vì tụi nó thích tranh giành nhau các món
đồ chơi, giành được rồi, tiếp
tục giành tiếp. Coi bộ không
đứa nào nhường đứa nào. Mà cho dù
một đứa chịu nhường, đi tìm món
đồ chơi khác, thì đứa kia
cũng sẽ tiếp tục màn giành giựt cho
được món đồ chơi thứ hai mà thôi! Con nít là như vậy, ít khi chúng lặng thinh
ngồi yên một chỗ. Ông Hai tức ông Nội
của chúng vẫn thường nói: Con nít không phải là
nhà tu, mà cho dù con nít sống trong chùa làm "chú điệu đuổi quạ" đi
nữa, thì chúng cũng chỉ là một đứa con nít.
Khi con nít ồn ào như thế thì người lớn hay
la rầy, nhưng hễ chúng im lặng chừng vài phút thì
người lớn đâm hốt hoảng ngang. Chuyện gì xảy ra thế? Có
đứa nào bệnh không? Có phải nó
bị sốt không?
Bà Hai chưa kịp suy nghĩ
tiếp thì cô con dâu của bà từ trong phòng tắm
bước ra nói lớn:
- Mấy đứa ồn quá, bà
Nội nhìn kìa!
Bà Hai cười
thầm trong bụng. Bà Nội nhìn thì sao
chứ? Mấy đứa nhỏ đâu
có làm gì quấy đâu. Chúng chỉ giành
đồ chơi với nhau, chứ đâu có giành hay
lấy cái gì của bà Nội đâu. Cho
dù bà Nội có nhìn, thì bọn nhỏ vẫn thản nhiên làm
việc của chúng, bằng chứng là nãy giờ bà Hai có
rời mắt không nhìn bọn chúng một giây một phút
nào đâu. Nếu chúng có im lặng
một chút là bởi vì chúng nó mệt, ngưng lại
để hít thở, rồi lại ồn ào tiếp.
Bà Hai không thấy có gì bực bội hay phiền lòng khi nhìn
mấy đứa nhỏ chơi đùa với nhau như
thế, mặc dù cách chơi đùa của chúng khác với
cách chơi đùa của bà khi còn nhỏ, bởi hồi
nhỏ bà làm gì có nhiều đồ chơi như chúng bây
giờ để tranh giành với nhau. Bà Hai vẫn yên
lặng quan sát cháu. Ngay lúc đó giọng nói của Mẹ
mấy đứa nhỏ nghe như có vẻ nghiêm nghị
và ra lệnh, nhưng lại có pha chút
dỗ dành vang lên:
- Tới giờ lên giường rồi
đó. Hôm nay mấy đứa muốn nghe
Mẹ kể chuyện gì đây?
Mấy đứa
nhỏ vẫn còn kèn kựa chưa đứa nào chịu
đứng dậy. Bây giờ bà Hai mới lên tiếng:
- Mấy đứa lên nằm trên sa lông. Tối nay bà Nội thay
Mẹ mấy đứa kể chuyện đời xưa
cho nghe, mấy đứa có muốn không?
Hai cái miệng đồng loạt
trả lời:
- Muốn... Muốn....
Bà Hai hỏi lại:
- Hai cháu vừa nói gì, nói lại cho
bà nghe, bà nghe không rõ!
Cả hai cái miệng chu
lại trả lời một lượt:
- Dạ muốn... Dạ muốn!
- Ừ như
vậy mới phải. Nói chuyện với
người lớn phải lễ phép thì mới ngoan.
Nói xong bà Hai quay nhìn Mẹ mấy đứa nhỏ nói:
- Con lấy mền ra đắp cho
các cháu, rồi đi làm việc con cần làm đi.
Bà Hai ngồi xuống chiếc
ghế bành, kéo hai chân lên, chân này đặt lên chân kia, hai bàn
tay ngửa đặt lên nhau trong tư thế ngồi thiền
một cách thoải mái rồi cất giọng: - "Ngày
xưa....." thì đứa cháu Nội trai mười
lăm tuổi, cao nghều nghệu, trong tay ôm tấm
mền mỏng, từ trên lầu phóng nhanh từng bậc
xuống nói:
- Bà Nội cho con nghe với.
Rồi Mẹ mấy đứa
nhỏ cũng nói:
- Con cũng muốn nghe Mẹ
kể chuyện.
Thằng con trai của bà và cả
ông Nội của mấy đứa nhỏ không nói không
rằng, cũng đến ngồi xuống bên cạnh
mấy đứa nhỏ. Hai đứa nhỏ, một gái
sáu tuổi nằm gát chân lên đùi Cha, một trai út ba
tuổi nằm trong lòng Mẹ. Còn thằng cháu trai lớn
thì ngồi sát bên và ngả đầu lên vai ông Nội
một cách âu yếm.
Bà Hai chớp
nhẹ đôi mắt cảm nhận sự ấm áp trong
lòng khi thấy các thành viên yêu thương của bà đang
quây quần nghe bà kể chuyện. Chuyện kể
rằng:
***
"Ngày xưa,
xưa lắm, hồi đó loài vật biết nói và
hiểu được tiếng người. Trong
một dòng sông hiền hoà thơ mộng nọ, có cặp
vợ chồng Rùa rất yêu thương nhau và sống
rất hạnh phúc. Một hôm nhân ngày
kỷ niệm anh chị Rùa quen nhau, họ đã cùng nhau làm
một buổi tiệc tại nhà. Chị Rùa cảm
thấy hạnh phúc quá nên ăn nhiều
hơn thường ngày khiến đêm đó bị sình
bụng không tiêu. Qua ngày hôm sau dẫn
đến chứng đau bụng không hết. Anh chồng mời các lương y thủy
giới đến chữa trị, nhưng bệnh không
thuyên giảm. Chị Rùa đau bụng nằm rên
"ui... ui..." trong
động đá. Nhằm lúc nước
lớn, đàn Tôm lội ngang qua. Có một chú Tôm
lội gần hang đá thấy anh Rùa lấp ló ngay
miệng động, mà bên trong thì có tiếng rên, bèn hỏi:
- Anh Rùa ơi! Bộ
nhà anh có ai đau bệnh hay sao, mà tôi nghe có tiếng rên
vậy?
Rùa chồng bước hẳn ra
ngoài trả lời:
- Mấy hôm nay, vợ tôi bị
bệnh, ăn không tiêu, tôi có mời
lương y tới trị nhưng không khỏi mà mỗi
lúc mỗi đau nhiều hơn, tôi lo quá.
Chú Tôm vừa cười mỉm
vừa nói:
- Tôi biết có một thứ
thuốc hay lắm, có thể giúp chị Rùa hết bịnh
tức khắc, nhưng không biết anh dám thử không?
- Anh biết làm ơn chỉ giùm tôi,
ơn này tôi xin tạc dạ ghi lòng không bao giờ dám quên.
Chú Tôm nhúc nhích mấy cọng râu,
rồi trả lời:
- Ơn nghĩa gì anh Rùa. Tôi
biết thì mách giùm anh. Anh nên lên bờ đi kiếm lá
gan của con Khỉ. Đem về phơi khô, rồi xé
từng miếng nhỏ đút cho chị ăn. Ăn hết lá gan của Khỉ thì bịnh
của chị Rùa bảo đảm hết liền.
Nói xong Tôm theo
đàn lội đi. Rùa chồng vào hang kể cho vợ nghe
thứ thuốc mà anh Tôm vừa mới nói. Hai vợ
chồng suy nghĩ mãi không biết đi đâu tìm Khỉ.
Một lúc lâu anh Rùa mới nhớ ở cách đó không xa có
một cù lao khá lớn. Nơi đó có
rất nhiều chú Khỉ thường hay nhảy nhót
đùa giỡn trên cây cạnh bờ sông. Anh Rùa dặn
vợ ở nhà ráng chịu đựng chờ anh đi tìm
thuốc mang về trị bệnh.
Trên
đường đi, Rùa chồng vừa bơi vừa suy
nghĩ làm sao mời được một con Khỉ
về động của mình. Bận suy
nghĩ nên tới bờ thì đã nửa đêm. Trên
trời trăng mười sáu sáng vằng vặc. Rùa bò lên
bờ gặp ngay một anh Khỉ đang chuyền từ
cây này sang cây kia. Rùa lớn tiếng
gọi:
- Anh Khỉ... anh
Khỉ....
Khỉ đưa tay
lên trán che mắt nhìn quanh tìm kiếm:
- Ai gọi tôi vậy?
- A... Tôi
là Rùa đây.
- Ủa... anh Rùa
hả.
Ban đêm ban hôm anh gọi tôi có chuyện gì không?
Rùa trả lời:
- Không có gì cả. Hôm nay trăng sáng
và đẹp tôi lội vòng vòng chơi, thấy anh tôi có
cảm tình ghé vào bờ chào hỏi, thế thôi!
- Vậy sao? Ba Má và các
anh chị tôi đi ngủ cả rồi. Một mình tôi cũng đang buồn không biết
nói chuyện với ai. Nghe anh nói
chuyện mềm mỏng dễ mến lắm.
Vậy mà lúc trước thấy anh lạnh lùng xa lạ,
tôi cứ tưởng là anh dữ dằn và khó ưa
lắm chứ!
- Không nói chuyện với nhau. Sao
biết ai hiền lành, ai hung dữ chứ? Tôi
là người hiền lành và dễ chịu nhứt thế
gian này đó anh Khỉ. Thôi anh xuống gần đây nói
chuyện cho vui. Anh ngồi trên cây, tôi
ngóng cổ nhướng mắt nhìn lên mỏi mắt và
mỏi cổ quá.
Thoắt một
cái Khỉ đã nhảy xuống ngồi ngay bờ sông
cạnh Rùa.
Rùa giở giọng nịnh hót:
- Trời nước ơi! Anh
chuyền cây giỏi quá, tôi phục anh tài anh lắm!
Khỉ nhe răng cười
trả lời:
- Tôi không bơi lội giỏi
dưới nước như anh, nhưng có cái là chạy
nhảy chuyền cây không ai bằng. Những đêm
trăng tròn sáng mát như thế này, tôi ít chịu ngủ
sớm, thích một mình ngắm trăng bên bờ sông. Thật thơ mộng.
Nghe Khỉ nói
như vậy. Rùa trong lòng không biểu đồng tình,
chỉ mong làm sao dụ Khỉ đi theo
mình, nhưng bề ngoài thì làm ra vẻ ngưỡng mộ
Khỉ bằng cách đưa cổ nhìn lên trời ngắm
trăng rồi nói hùa theo:
- Anh nói nghe hay quá. Không
dè anh biết thưởng thức vẻ đẹp
của đêm trăng. Nhưng nếu
trong đêm trăng đẹp như thế này mà anh nghe
được đoàn cá đủ màu sắc hoà nhạc và
tập dợt những điệu múa, chuẩn bị cho
kỳ thi vượt vũ môn thì chắc anh sẽ còn thích
vạn lần hơn.
- Thiệt là có cá hoà nhạc và múa hát
nữa sao?
- Phải, nơi động tôi
ở, mỗi buổi sáng vào lúc mặt trời mọc, cá
cùng hoà nhạc đón bình minh, đặc biệt là
những đêm trăng cá ở nhiều nơi trên con sông
tụ họp lại. Tiếng nhạc của mỗi
loại cá hoà nhịp cùng tiếng nước chảy róc
rách trên động đá, trên rong rêu nghe tuyệt diệu vô
cùng không khác gì tiếng nhạc ở thiên thai.
- Nghe anh nói, tôi thiệt thấy ham quá,
nhưng là loài sống trên bờ thì đành thua anh ở
điểm này chớ biết làm sao bây giờ.
Rùa liền nói:
- Chuyện không biết lội
của anh giải quyết dễ ợt. Nếu anh
muốn đến đó cho biết thì cứ ngồi trên
lưng tôi, tôi sẽ đưa anh tới đó xem hoà
nhạc xong sẽ đưa anh trở lại bờ an toàn không ướt một sợi lông
của anh.
- Thôi cảm ơn anh. Tôi
nặng như vậy, ngồi trên lưng khiến anh
mệt nhọc lắm.
- Khách sáo gì không biết. Chỗ anh em với nhau. Anh
đừng ngại. Tôi cũng muốn khoe với anh
đời sống của loài thuỷ tộc chúng tôi có
nhiều cái hay không thua kém gì đời sống của loài
động vật trên đất liền. Anh
lên mau chúng ta đi cho kịp giờ.
Khỉ nghe Rùa
"nổ" quá nên
cũng muốn đi xem cho biết. Khỉ vội leo lên mai Rùa. Rùa bò xuống sông bơi thật
nhanh, lòng sung sướng, vì đã gạt được
chú Khỉ "ngây thơ"
quá dễ dàng. Đi được nửa đường
thì trời gần sáng. Khỉ nhìn xung quanh thấy
nước nhấp nhô lượn sóng lại nghe chừng
như có gió thổi bên tai nên hỏi:
- Dường như có tiếng hoà
nhạc phải không anh Rùa, gần tới nơi chưa
vậy anh?
Bây giờ Rùa mới phá cười
nói:
- Anh Khỉ à,
thấy anh nhanh nhẹn, tôi tưởng anh thông minh lắm. Ai dè anh là con
vật kém thông minh nhất thế giới mới tin
chuyện cá hoà nhạc.
- Nếu không có chuyện cá hoà
nhạc thì sao anh lại chở tôi đi làm chi cho mệt.
- Tôi cần lá gan của anh
để chữa bệnh cho vợ tôi.
- Ồ, thì ra
vậy?
Khỉ chớp mắt, trầm ngâm
một chút rồi nói tiếp:
- Sao lúc đầu anh không nói
sớm, để bây giờ anh đem tôi về mổ
bụng tìm khắp chỗ cũng không làm sao kiếm
được lá gan của tôi.
- Tại sao lạ thế?
- Anh không biết sao, loài Khỉ chúng
tôi có tính cẩn thận, trước khi nhảy vào chỗ
nguy hiểm, chúng tôi thường treo lá gan lên một nhánh
cây. Như thế sẽ chắc chắn và
khỏi mất công đi tìm. Treo gan rồi chúng tôi
tự do chạy nhảy dễ dàng. Hồi nãy, anh hối
quá nên tôi quên đem gan theo rồi.
Rùa ngạc nhiên
ngừng bơi. Khỉ nói tiếp giọng thật từ
bi:
- Nếu anh đừng gạt tôi,
nói tử tế cho tôi biết là vợ anh đau nặng
cần lá gan của tôi để chữa bệnh cho vợ
anh, thì tôi không bao giờ từ chối. Anh
thừa biết là tôi có cảm tình với anh mà. Lá gan
của tôi treo trên cành cây hay ở trong bụng tôi thì cũng
thế thôi, không thiệt hại gì cho tôi cả. Nếu anh
thành thật một chút thì tôi sẵn sàng tặng chị lá
gan và sung sướng vì đã làm được việc
thiện cứu vợ anh khỏi bệnh. Ba má tôi vẫn
thường dạy chúng tôi phải giúp đỡ
người gặp hoạn nạn nhưng rất tiếc
anh chơi xấu với tôi như vậy thiệt là không
ổn chút nào!
Rùa nghe Khỉ nói
như thế cảm thấy ngượng ngùng, nhất là
thấy dáng điệu bình thản của Khỉ càng làm
cho Rùa thêm hỗ thẹn. Tuy nhiên Rùa vẫn
tiếc là không lấy được lá gan của Khỉ
vì lòng ích kỷ muốn cứu vợ của mình.
- Tôi thật cảm thấy xấu
hổ vì đã lường gạt một người
bạn tốt như anh. Bây giờ có chở anh về
động của tôi cũng vô ích vì anh không đem lá gan theo.
- Tôi hiểu lòng yêu thương
vợ của anh nên cũng không tức giận anh làm gì. Tôi bằng lòng cho lá gan của tôi. Thôi anh mau
chở tôi về cù lao để lấy
gan làm thuốc cho chị.
Rùa cám ơn
rối rít quay đầu bơi vào bờ. Vừa
đến bến sông, Khỉ vội nhảy lên bờ, leo lên cây chuyền cành này sang cành khác. Chờ
hơi lâu, Rùa sốt ruột nói lớn:
- Lá gan của anh đâu?
Khỉ lượm một hòn đá
to liệng mạnh xuống lưng Rùa và nói:
- Gan của tôi đó, đem về
mà làm thuốc cho vợ anh đi!
Hòn đá to của
Khỉ liệng trúng lưng Rùa, tuy không làm tổn
thương thể xác, nhưng nó xáo động tâm tư
tình cảm của Rùa rất nhiều. Nhìn
nét giận dữ của Khỉ, Rùa không tức giận mà
trái lại khiến Rùa hối hận vô cùng. Rùa suy nghĩ tại mình có lòng hiểm ác
định giết hại bạn để cứu
mạng vợ mình. Cũng may Khỉ lanh trí nếu
không thì đã mất mạng rồi. Khỉ
oán hận mình là phải. Mà anh Tôm kia
cũng quá độc ác, bày chi phương thức ác
đức quá, mà mình thì cũng ác không thua gì Tôm. Chưa
biết lá gan của Khỉ có trị được
bệnh hay không mà đã vội tin lời. Nói
cho cùng dù anh Tôm nói đúng đi nữa thì cũng không
thể giết oan một mạng để cứu một
mạng được. Dù kẻ
được cứu là người thân yêu nhất
đời mình, mà kẻ bị giết là kẻ mà mình thù
oán, cũng không được giết hại, huống
hồ mình lại muốn lấy mạng của bạn
Khỉ.
Rùa thật sự hối hận quá,
nên thả mình lềnh bềnh trên mặt nước,
một lúc sau Rùa ngước lên nhìn Khỉ đang
đứng trên bờ bằng đôi mắt hiền
từ, chép miệng xin lỗi:
- Tôi rất ân
hận về hành động bất nghĩa gian ác vừa
rồi, xin anh từ bi hỷ xả cho tôi.
Nãy giờ Khỉ cũng ngạc
nhiên không thấy Rùa có phản ứng gì khi bị Khỉ
liệng đá trúng lưng, trái lại anh ta có vẻ
trầm ngâm suy nghĩ lại lộ vẻ buồn rầu
nữa.. Bao nhiều giận hờn
của Khỉ đã theo viên đá đổ trút xuống
lưng Rùa rồi, nên khi nghe Rùa nói lời hối hận thì
Khỉ cảm thấy hả giận ngay, vì bản tánh
của Khỉ vốn cởi mở không hiểm ác. Khỉ
cũng thốt lên lời xin lỗi Rùa:
- Tôi cũng xin anh tha lỗi cho
cử chỉ nóng giận vừa rồi của tôi. Anh có sao không? Lên đây tôi xem,
tôi sẽ đi hái thuốc chữa trị cho anh.
- Cám ơn, tôi không sao cả. Viên đá tuy to, như lưng tôi cũng khá
cứng. Lòng tốt của anh làm tôi
cảm động và mắc cở vô cùng.
Rùa từ từ bò
lên mặt đất, Khỉ cũng tuột xuống
khỏi cây.
Khi biết Rùa không sao cả Khỉ an tâm
hỏi thăm về bệnh tình của chị Rùa. Rùa
kể rõ căn bệnh của vợ mình cho Khỉ nghe.
Nghe xong Khỉ nói:
- Không sao, anh đừng lo, tôi
biết có thứ lá cây này trị bệnh đó hay lắm. Anh nằm nghỉ mệt ở đây chờ tôi
đi hái lá trị bệnh cho chị.
Khỉ chuyền cây đi một
lúc, ôm trên tay một bó lá xanh nhỏ.
Khỉ nói với Rùa:
- Nào bây giờ chúng ta cùng về
động chữa bệnh cho vợ anh.
Khỉ ngồi
trên lưng Rùa, Rùa bơi nhanh. Lần này cả
hai không ai để tâm hại ai nữa, mà cùng lo một
chuyện là về động nhanh để trị
bệnh cho chị Rùa. Cả hai cùng im
lặng nhưng ý nghĩ của họ gần như
giống nhau. Đó là sự thông cảm,
lòng chân thật muốn giúp đỡ nhau. Một
hồi lâu Khỉ lên tiếng nói với Rùa:
- Trong khu rừng dạo này có
một vị Tăng đến ở tu.
Những đêm trăng sáng Ngài thường hay thuyết
pháp, anh có đi nghe không?
Rùa trả lời:
- Tôi thường đi nghe, nhưng
nghe hoài mà tâm tánh vẫn chưa sữa đổi gì được
nhiều. Cũng ích kỷ, nhỏ nhen,
cũng hẹp hòi đố kỵ, thấy ai hơn thì ganh
tỵ, thấy ai thua thì khinh bỉ. Chúng
ta đối với Thầy thì kính mến, còn đối
với nhau thì chẳng ra gì. Trước
mặt Thầy, chúng ta chào hỏi nhau làm như quý mến
nhau lắm, còn sau lưng Thầy thì chúng ta ghét nhau như
chó với mèo.
Khỉ đáp lời:
- Tôi cũng nhận thấy như
vậy, chúng ta còn xa với đạo lắm. Tôi nhớ
lời Thầy giảng kỳ rồi: "Tâm dục vọng chỉ để dối
gạt, trái nghịch với đạo. Người vào
đạo phải dùng tâm đoan chánh, ngay thẳng làm
gốc" (Kinh Di Giáo). Vậy mà hồi
nãy tôi đã dùng tâm dối trá để gạt anh. Anh biết không thường ngày tôi có tâm khinh
người, thấy anh chậm chạp, nên nhăn nhó trêu
chọc.
- Còn tôi, thấy anh nhanh nhẹn khôn
ngoan nên tôi sanh tâm đố kỵ, bị anh trêu chọc nên
sanh tâm thù ghét, cố chấp, mong có dịp trả thù.
Cũng may chúng ta dừng lại kịp thời, bằng
không thì: "Ác do tâm sanh,
trở lại hại tâm, như sắt hay sanh sét, sét lại tiêu sắt"
(Kinh Bột). Khỉ gật đầu nói:
- Anh nói thật đúng: "Nói ác, mắng chửi, kiêu
căng, khinh người. Các điều ác ấy khởi
ra là ganh ghét, oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn
kính, bỏ oán, nhẫn ác là ganh ghét, oán hận, tự
dứt. Là người sanh ở đời, cái búa tại
trong miệng sở dĩ giết thân cũng do lời nói
dữ" (Kinh Pháp Cú).
Mãi lo bàn luận vấn đề tu
học, chẳng mấy chốc cả hai về
đến hang Rùa. Khỉ trổ tài làm
lương y. Đâm lá vắt nước cho chị Rùa
uống, mấy ngày sau chị Rùa cảm thấy khoẻ
khoắn và từ từ khỏi bệnh. Trước
khi ra về Khỉ dặn:
- Anh chị nhớ tối mai đi
nghe Thầy giảng nghe. Chúng ta đi nghe pháp
để sửa đổi tâm tánh, hành thiện bỏ ác.
Nói xong Khỉ
nghiêng đầu chào chị Rùa. Vị chủ nhà
chậm chạp trả lễ và không quên cảm tạ
ơn chữa bệnh của khách. Xong
đâu đấy Rùa chở Khỉ bơi thông thả
đến mé rừng. Đến nơi, Khỉ
nhảy vội lên bờ, hái một cành hoa mai nhỏ
thật đẹp đưa cho Rùa và nói:
- Chỉ còn nửa tháng là Xuân về
rồi đó. Nhân dịp này tôi xin biếu
chị nhà cành hoa Mai nở sớm này và cầu chúc anh
chị một mùa Xuân nhiều hạnh phúc.
Rùa gật đầu chào anh bạn
quý, sau khi hứa hẹn ngày gặp lại, rồi há miệng
ngậm cành hoa Mai, thủng thỉnh bò xuống
nước, lòng cảm thấy thật vui vẻ vì có
một người bạn tốt tâm tốt bụng,
lại cảm thấy sung sướng khi nghĩ
đến chị Rùa đã khoẻ mạnh đang chờ
anh trở về ở động nhà với cành hoa mai vàng
trên miệng."
***
Câu
chuyện đáng lẽ còn nữa. Chẳng
hạn như mấy ngày sau anh Rùa đưa vợ
đến rừng Khỉ nghe vị Tăng thuyết pháp
và những ngày tới tình bạn của Rùa, Khỉ ngày thêm
khắng khít. Tiếp theo là gia đình Rùa và
người bạn Khỉ được vị Tăng
sách tấn tinh thần tu tập, giúp họ chuyển
đổi Nhận thức, biết thương và giúp
đỡ những loài vật sống xung quanh. Câu
chuyện sẽ còn nhắc tới anh Tôm có tâm xấu ác
bị người ta thả lưới vớt lên bờ ăn thịt cho thấy gây nhân nào thì
nhận quả nấy v.v... và v.v...
Truyện kể có thực có hư
nhằm nhân cách hoá đời sống của con vật
để ám chỉ con người. Nhưng mà con
người và con vật cũng đâu có gì khác nhau,
được sinh ra đời, sống ở đời,
hết căn mạng thì chết đi, chỉ khác nhau
ở bản năng và trí tuệ. Vì thế con người
sống ở đời phải sống sao cho xứng
đáng. Phải biết sống một cách
thiện lương. Làm lành lánh dữ. "
Câu chuyện bà Hai kể hấp
dẫn mấy đứa nhỏ, ngoại trừ thằng
út ngủ khì trong tay Mẹ khi tới
đoạn Khỉ và Rùa đấu khẩu nhau. Còn con bé và
thằng anh thì nghe đến hết câu chuyện. Con bé tin
câu chuyện bà Nội kể là có thật trăm phần
trăm và thích chuyện này lắm. Trước khi Ba nó
bồng vào phòng ngủ, nó còn dặn dò bà Hai:
- Ngày mai bà Nội kể chuyện
Khỉ với Rùa nữa nghe bà Nội.
Còn thằng anh lớn trước
khi lên lầu nó hôn chào ông bà Nội, Ba Mẹ nó, rồi ghé
vào tai ông Nội hỏi nhỏ:
- Ông Nội, chuyện bà Nội
kể có thiệt hôn... ông Nội?!!
Ông Nội nó
chưa kịp trả lời thì vù một cái nó biến
mất trên cầu thang.
Đêm tối
xuống khá sâu. Bà Hai đưa tay
đấm vài cái sau lưng, rồi che miệng nửa
muốn ngáp nửa lại thôi. Ông Hai chờ
bà vào phòng, khép cửa lại. Một ngày mệt
mỏi trôi qua nhưng đó cũng là một ngày đáng
sống trong cuộc đời của hai vợ chồng
già có tâm đạo, biết hành đạo, hiện đang
sống chung với con cháu dưới một nhà có thể
nói là hạnh phúc./.
THÍCH
NỮ HẰNG NHƯ
(10-01-2018)
Tài
liệu:
- Chuyện kể dựa theo "Dưới
Gốc Mai Vàng" của Bảo Liên, đăng trong
Truyện Cổ Phật Giáo Tập 3.
- Cốt truyện rút ra bài học: "Lấy từ bi thắng nóng
giận. Lấy hiền lành thắng hung dữ. Lấy bố thí thắng gian tham. Lấy chân
thật thắng ngoa ngụy"