Phạm
Văn Hòa
Chiếc Áo Sờn Bâu
Sáu tháng thoáng qua thật mau . . ..
Suốt những tháng em nằm
trong nhà thương, từ bệnh viện này đến
bệnh viện khác, từ phòng thường đến
phòng hồi sinh, lúc nào cũng có anh bên cạnh để em
không cảm thấy cô đơn. Nhiều lúc anh
chỉ lẻn đi lo vài việc khi em mê ngủ hay đang
trong tình trạng cần được nghĩ ngơi,
hoặc lúc có đứa con Út vào thay. Có những lúc
giữa đêm về sáng, anh bỏ em vài tiếng
để về nhà thay đồ, trông sơ nhà cửa, cây
kiểng vì bỏ đi lâu ngày. Những ngày đêm
ở bệnh viện dù ở trong phòng chuyện vãn cùng em;
những lúc em không còn cảm nhận bình thường;
những lúc anh và em ở nhà ăn của bệnh viện;
những lúc mình chờ đợi đi radiation chiếu
điện; những lúc đưa em đi physical thérapy, hay
những lúc anh, nữa nằm nữa ngồi qua đêm
trong phòng chờ đợi của bệnh nhân hồi sinh .
. . Tâm hồn mình vui buồn như nước lớn
nước ròng tùy theo bệnh trạng của em. Dù trong những lúc tuyệt vọng nhất, anh
cũng không tin là phải vĩnh viễn xa nhau. Anh tin vào lời mình cầu nguyện. Anh
tin vào bệnh trạng của em được phát
hiện khi còn mới. Anh tin vào nhà
thương và nhóm bác sĩ. Anh tin em
có thừa nghị lực. Anh tin vào
tấm lòng tốt của em sẽ được Ơn
Trên soi xét. Anh tin vào tất cả những gì anh có
thể tin như người đang chết đuối
vớ bất cứ vật gì, nghĩ là, sẽ cứu mình
khỏi dòng sông cuồn cuộn sóng.
Nhưng tất cả
đều tan theo bọt nước!
Vũ trụ như vô tình
trước những gì cha con anh làm, những lời
cầu khẩn tha thiết nhất mà anh khấn nguyện
ngày đêm, những phương thuốc mà anh tin
tưởng vào sự phát minh tân tiến hiện
đại . . .
Và em đã ra đi sau chỉ vài
tháng bị bệnh tình dằn vặt!
Anh bắt
đầu nghi ngờ tất cả, kể cả
đức tin.
Anh cảm như mình bị bỏ rơi.
Anh buồn như chính em đã nhận lãnh
sự trừng phạt thay cho anh, cũng như em đã
từng hy sinh thật nhiều cho anh, cho con, cho gia đình
để chúng ta có được ngày hôm nay. Anh thấy như không làm tròn bổn phận,
rất buồn vì những gì mình định làm mà chưa
thực hiện, những chuyến du lịch còn đang
dự trù. Mọi chuyện
ập đến quá đột ngột. Cả đến Tết vừa qua mình cũng
không được thưởng Xuân. Mấy
xấp lá chuối em mua để nấu bánh tét ăn Tết vẫn còn trong tủ
freezer. Mấy hộp bánh mức thì đành phải
vứt đi vì quá cũ. . .
Tất cả
những thứ anh mang trên người, trong suốt
thời gian em bệnh đã là nhân chứng cho những
ngày-phút-giây cuối đời em. Em đã đi
thật rồi, đi thật xa không bao giờ trở
lại nữa. Trong số quần
áo anh mặc lúc em nằm bệnh viện, chỉ có cái áo
Kaki vàng là lúc nào cũng có bên anh. Chiếc
áo này là kỷ niệm những năm tháng anh còn làm việc
mà hảng cho, trên túi có thêu chữ E-Solution. Vậy mà nó không giúp anh giải quyết
được gì cho em, ngoại trừ nó giúp anh đở
lạnh, lúc nào anh cũng khoác nó bên ngoài che dấu cái vẽ
luộm thuộm của quần áo anh mặc ở nhà
thương. Nó vừa giữ anh
ấm, vừa làm gối, vừa làm mền cho anh ngủ
tạm qua đêm. Chiếc áo cũng
bụi đời như anh. Khi em
mới trở bệnh thì chiếc áo còn khá lành lặn.
Đến khi em bệnh nặng đổi từ nhà
thương này sang nhà thương khác, thì chiếc áo này
đã sờn bâu. Rồi bâu áo bị
tưa tải như em, như anh. Anh cắt bâu áo
bỏ đi và tiếp tục
mặc cho đến khi em mất.
Chiếc áo là
kỷ vật cuối cùng chứng kiến em qua bao nỗi
thống khổ gian truân. Chiếc áo đã san sẻ cùng
anh những khắc khoải qua đêm.
Cũng như tấm thẻ
bài là kỷ vật cuối cùng thời quân ngũ, mang số quân 62A/114333. Cũng như chiếc ghế mà anh đang
ngồi là kỷ vật sau bao năm làm lụng nơi
đất khách quê người cho đến khi về
hưu.
Và . . . "Chiếc
áo sờn bâu" là kỷ vật cuối cùng đã
chứng kiến và chia sẽ với anh những nỗi
đau gặm nhắm lòng mình.
Nay em đã an
bài! Chiếc áo vẫn còn bên anh, vẫn giúp giữ
ấm lòng anh khi Đông hàn, che anh khi mưa bay lất
phất. Chiếc áo nay dù đã bạc
màu, nhưng cuộc sống của nó bớt bụi
đời hơn, duy chỉ có em thì không. Viền quanh bâu áo bị tưa chỉ.
Anh dùng kéo nhấp cho sạch, chỉ được vài ngày
thôi thì trở lại te tua. Anh
định bụng may kèm lớp vải bao quanh để
coi cho được. Nhưng em đâu rồi!
Lấy ai may lớp vải kia? Có cô em trong hội đồng hương của
mình đã sửa hộ anh. Thay vì may lớp
vải viền quanh như anh nghĩ thì cô chỉ tháo
mối chỉ viền rồi may lại thôi! Chuyện giản dị như vậy mà anh không
nghĩ ra. Bây giờ chiếc áo không
còn sờn bâu nữa. Anh sẽ đơm
lại cái nút chót ở vạt áo bị mất. Anh sẽ đem giặt dũ cho sạch và
chiếc áo sẽ lại tiếp tục bên anh như
người bạn tri kỹ thay em.
Nhìn bàn may máy
trong phòng em! Lòng anh thẩn thờ! Máy vẫn còn
đó mà người xử dụng
ở nơi đâu! Cũng chiếc máy này, bên ánh
đèn, đêm đêm em may vá từng thứ cho con, cho
anh. Cũng bên chiếc máy may này, trên chiếc ghế cô
đơn kia em đã đơm từng
cái nút, chiếc khuy cho anh cho con. Hộp kim
chỉ, em đã dùng để khâu khi áo anh sứt chỉ
đường tà. Tất cả nằm đó cô
đơn, im lìm như con chó buồn chờ chủ, như
con mèo lười biếng nằm khoanh cạnh khung cửa
sổ. Người "chủ" của
nó sẽ không bao giờ dùng tới nữa. Anh vẫn giữ tất cả yên vị.
Biết đâu . . . một ngày, anh sẽ tập tành may vá để chiếc máy may, chiếc
ghế kia bớt cô đơn. Chừng đó anh
sẽ tự mình vá lại chiếc bâu áo kia
nếu bị sờn rách gì thêm.
Còn giờ đây,
cho đến khi cuối đoạn đời còn lại,
biết anh có còn tìm được mẫu vật nào
đáng là kỷ niệm. Có tìm được kỷ niệm cho
chặn chót cuộc sống đời mình như Tấm
Thẻ Bài, như Chiếc Ghế, như Tấm Áo Sờn
Vai kia đã ghi lại từng chặn đời mình đã
đi qua!?
Âu cuộc
đời chỉ là tích lũy những kỷ niệm
bị vùi dập.
Tất cả rồi cũng bị thời
gian xóa nhòa. Tất cả rồi
cũng bị mang vào lòng đất để rồi
trở thành tro bụi. Suốt cuộc
đời còn lại tôi sẽ không đốt đuốc
đi tìm lẽ sống, tìm quên lãng, hay tìm vui để
khỏa lấp nỗi cô đơn. Tôi sẽ bằng
lòng ân hưởng những gì Tạo Hóa
ban cho. Tôi không phải là kẻ ngồi chờ sung
rụng, vì cả đời, tôi đã đi tìm, đã làm
những gì tôi có thể làm với tất cả năng
khiếu trời ban. Còn giờ đây tôi
nghe cơ thể, đầu óc cảnh báo ngày ngày như
tiếng chuông cảnh tỉnh cho biết những gì tôi có
thể làm, những gì tôi không. Bước chân
nặng nề mỏi mệt, trí nhớ
nhụt cùn, mái tóc, vóc dáng . . . tất cả nói lên lúc
trời chiều, xế bóng hoàng hôn. Những
bước chân cô đơn trong căn nhà trống
vắng. Chiếc giường, gối chăn, im lìm
lạnh lẽo.. Tiếng nhạc
dặt dìu phá tan sự lặng im để đưa
hồn tôi theo từng nốt âm thanh
trầm bỗng, để được đôi phút
sống lại thời xa xưa, cho tâm hồn thơ
thới an bình.
Tôi là Ông Từ của căn nhà
thân yêu này!
Tôi là chiếc bóng cô đơn
thui thủi ngày đêm như luyến tiếc ngày qua.
Tôi như Chiếc Áo Sờn Bâu,
mong được vá lại cho lành lặn.
Nếu Tấm Thẻ Bài là kỷ vật của cuộc
đời hào hùng, tất cả cho Quê Hương Dân
Tộc, cùng với Đôi Giày Sô theo tôi
rời quê hương Việt
Còn Chiếc Ghế văn phòng mà tôi đang ngồi đây là
kỷ vật chặn chót của những ngày sáng cắp ô
đi, chiều cắp ô về nhọc nhằn tại Hoa
Kỳ cho đến ngày về hưu. Chiếc
Ghế đã cùng tôi nhiều đêm, thức trắng thâu
đêm, vì công việc phải làm để có đồng
lương. Chiếc Ghế đã cho tôi êm ái
thoải mái để hoàn thành công việc được
giao phó, trách nhiệm phải chu toàn.
Thì nay, Chiếc Áo Sờn Bâu, là nhân chứng cho đoạn
chót cuộc tình thật đẹp, duy nhất, của tôi
trước khi em xa tôi để trở về với Cát
Bụi. Chiếc áo dù có bạc màu, cũ
kỷ già nua nhưng vẫn còn đủ ấm cho tôi.
Tôi cảm thấy rất thoải mái khi khoác chiếc áo lên
người, như có chút mầu nhiệm mang cho tôi sự
yên bình, như được bàn tay
dịu hiền bao bọc chở che. Tôi
đâu đòi hỏi gì hơn, vì cuộc đời từ
nay chấp nhận những gì sẽ đến, để
tôi thủ diển nốt vai trò CON MÚA RỐI của
Thượng Đế.
Còn kỷ vật nào nữa tôi
sẽ collect trong cuộc hành trình còn lại của mình?
Một kỷ vật mới,
một kỷ niệm khác ư!
Có thể có mà có thể không! Tôi không
khổ công đốt đuốc đi tìm, vì việc gì
đến sẽ đến. Ánh bình minh
đầu ngày, lúc hoàng hôn tắt nắng, khi ánh đèn
rọi thấu nỗi cô đơn, vẫn là những
thử thách mà . . . mỗi sáng sáng, chiều chiều, đêm
đêm tôi phải gánh chịu. Chính đó là thời
gian, phương thuốc nhiệm mầu liệu có
chửa trị được gì cho đến khi nhắm
mắt xuôi tay và . . . Những kỷ vật kia, trong đó
có "Chiếc Áo Sờn Bâu" là những món quà
của tôi để lại cho con cháu, và tâm tình này là món quà
của tôi để lại cho tha nhân.
Houston, những ngày
cuối năm Dương lịch, 2009
Phạm
Văn Hòa