Chuyện phiếm

 

 

 

Chim Cu Đất, Cá Thia Thia ... & Tôi

 

 

Phạm Văn Hòa

 

Chim cu đất là loại chim thoạt trông giống như chim bồ câu, đa số màu nâu lợt hay màu càphê sửa lợt, và có lẽ trong đời tôi chỉ thấy một lần có con chim cu màu trắng.  Ở đây, chim cu thường đi lúc thúc sau vườn để kiếm đọt cỏ non, hay đáp theo chỗ mới cắt cỏ để kiếm dế, cào cào, sâu bọ, côn trùng.  Ở đồng quê Việt Nam thì chim cu thường sà xuống các đám ruộng lúa chín vào mùa gặt để lượm hạt thóc rơi.  Vào mùa này chim mập lắm và kêu vang ngoài đồng.  Chim cu nếu có cặp thì chim trống thường không gáy.  Nhưng nếu lẻ bạn thì con trống thường gáy để gọi mái nhất là vào lúc sáng tinh mơ, hay vào lúc trưa mặt trời giữa đỉnh đầu.  Khu nhà tôi có lẽ đêm rồi "anh chim cu" nằm không buồn nên mới tờ mờ sáng là gáy vang xóm.  Ở nhà quê khi xưa, có khi cả chục con gáy cùng một lúc, như thi đua coi cái mồm nào to hơn để lọt "mắt xanh" con mái.  Đôi khi con trống bay lên cành cây cao hơn gáy thách thức "tình địch".  Thuở nhỏ, tôi hay theo rình gà gáy, theo dõi cu đất gáy nên từng chứng kiến hai con thi đua bay lên cành cao hơn mà gáy, trông thật buồn cười.  Xóm tôi khi xưa có mấy cây mù u cổ thụ cao chót vót, thân mấy vòng tay ôm, là nơi các con cu đất đến gáy, tiếng nghe đồng vọng vào buổi trưa hè.    

Bỗng dưng tôi nghĩ và viết chuyện bá láp này, là vì cả tuần nay cứ sáng sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng cu đất gáy vang.  Có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.  Tiếng cu gáy làm tôi nhớ nhà, nhớ quê.  Thói quen như thuở nhỏ, tôi mò mẫm đi tìm trên mấy cây thông, cây sồi quanh nhà nhưng chẳng thấy chim cu gáy đâu.  Có lẽ tại mình điếc lác, bởi từ khi tai nghe yếu thì tôi định hướng tệ lắm.  Như nghe điện thoại reo đầu này mà mò kiếm đầu khác.  Cái bệnh này có từ cả chục năm trước chớ không phải mới bắt đầu.  Thuở tôi còn làm việc trong các cao ốc ở downtown Houston.  Khi đợi thang máy, nghe tiếng "Đinh! Đinh!" tôi quay đầu về hướng này thì mọi người đi về hướng khác phía thang máy mở cửa, làm tôi sộ nhiều lần.  Nói lòng vòng như vậy là vì tôi biết cu gáy ở đâu đó quanh nhà, tức mình là không tìm ra "thủ phạm".  Một hôm tôi tìm hoài không thấy, trở vào nhà ngồi thở dốc ở  family room thì nghe tiếng gáy vọng oang oang.  Tôi kề tai vào chỗ lò sưởi thì đúng là phát ra từ đó. 

Ha! Ha!  Tôi biết chắc là anh chàng này đang ở đâu! 

Ra ngoài nhìn lên ống khói trên nóc nhà, thì anh cu gáy đang đóng đô chễm chệ trên chót cao ngay bên dưới mái che ống khói lò sưởi.  Theo dõi vài hôm tôi biết anh chàng này cứ sáng sáng sau khi gáy đả đời thì bay qua nóc garage rỉa lông . . . để đón một ngày mới. 

Ôi sướng sao cuộc đời con chim cu đất này!  Tôi cũng vui lây. 

Nghĩ cũng lạ cho con người, sao rắc rối.  Người xứ nào nói tiếng xứ đó.  Lúc đầu mình qua Mỹ, Mỹ nói Mỹ nghe.  Còn chim cu đất này, tiếng gáy có khác gì tiếng cu gáy ở Việt Nam!  Bảo đảm mang "anh bạn" này về quê tôi, anh không cần học gáy kiểu VN, mà mấy con cu mái cứ theo ào ào!  Ngẫm cuộc đời chim cu sướng hơn con người mấy bậc, không cần biết no đói, lúc nào cũng thảnh thơi.  Có lẽ vì tối ngày rình chim gáy, rình gà gáy mà dạo nhỏ tôi hay nằm mơ hay thấy mình bay lơ lững.  Lạn qua lạn lại thấy xóm làng bên dưới.  Con rạch trước nhà uốn quanh đẹp và êm đềm làm sao.  Tôi soải cánh, lượn trong gió mơn man mát lạnh, ôi chao hạnh phúc!  Nhiều khi tỉnh giấc nữa chừng chưa đả, cố nhắm mắt ngủ thêm để tiếp tục giấc mơ, nhưng không tài nào ngủ lại được, tiếc quá chừng.

Nói lòng vòng mà quên cho con cá thia thia ăn sáng nên nó cứ lội quanh giang sơn của nó phùng mang như muốn ăn thua đủ với tôi.  Giang sơn của "anh cá này" là cái keo cở 1 gallon nước.  Phía đáy tôi cho ít đá màu xanh xanh, đỏ đỏ cho vui nhà  . . . nhà cá.  Tôi biết chắc đây là cá trống vì màu sắc sặc sỡ.  Thuở nhỏ ở VN tôi gọi là cá Xiêm. Cá thia thia Xiêm thì màu sắc đẹp hơn cá thia thia đồng VN.  Nhớ lại những lúc trời mưa lâm râm, tôi hay lội xuống ruộng, nước lấp xấp ngang bụng.  Đi thật nhẹ len qua mấy bụi lúa, bụi lác tìm chỗ có nhúm bọt là chỗ đó có cá thia thia hoặc cá bảy trầu, có nơi còn gọi là cá trầu hay cá bãi trầu.  Bọt cá thia thia thì đơm và nhuyễn hơn bọt cá trầu.  Muốn bắt cá tôi dùng vợt, vợt nhẹ phía dưới bọt.  Nhiều khi vợt nhằm cá mái, không có màu sắc, hay cá trầu thì thả trở lại.  May mắn lắm  vợt được cá thia thia Xiêm.  Trên bàn học của tôi thường có khoảng năm bảy con nuôi trong keo.  Ngăn các keo bằng tấm giấy tập xếp tư để chúng khỏi thấy nhau đá bóng.  Loại cá này hễ thấy nhau là đá, cắn nhau tơi bời.  Trước khi đi đá độ, tôi không cho cá ăn và thường tập bằng cách rút miếng giấy ngăn các keo là chúng cứ phùng mang đá bóng, đá gió.  Trông thích lắm.    

Kể ra thì cũng hơn 60 năm rồi.  Bao nhiêu thay đổi.  Trò chơi khi xưa cũng không còn.  Chẳng vậy sống ở xã hội này tôi có cảm tưởng mình cũng như con cá thia thia này.  Con cá bị giam trong cái keo 1 gallon nước.  Còn tôi thì tự giam mình trong căn nhà này.  Cuộc sống của tôi thua xa cuộc sống con chim cu đất, có cả bầu trời thênh thang tha hồ bay nhảy.  Có lẽ thời còn trai trẻ cuộc sống tôi cũng ít nhiều giống nó, bôn ba, giang hồ đó đây đời quân ngũThời gian qua mau, bước chân ngày nay nặng nề mỏi mệt, mái tóc nhuộm trắng bụi đời, sức khỏe không còn khang kiện như xưa. 

Cuộc đời của tôi cũng đã một thời như con chim cu đất kia và giờ này thì như con cá thia thia trong chậu.   

 Sống trong căn nhà vắng lặng cũng buồn, nên tôi hay làm con cá thia thia giật mình, lúc đó nó trốn im dấu mình dưới đáy.  Được ít lâu, lại mò lên phùng mang tiếp.  Tôi và cá sống thật êm thuận, vì nó không trả lời trả vốn cho dù có bực mình tôi.  Nhưng rồi mỗi khi thấy bóng tôi đi ngang nó cũng vồn vã lượn theo, phùng mang gây sự tiếp.  Cuộc sống con cá này còn tệ hơn tôi nhiều!  Cả đời không chơi và làm bạn được với đồng loại.  Hễ gặp nhau là quần thảo tơi bời đến tưa mang, rách kỳ, tróc vẫy.  Đến cá mái bỏ chung cho ép cũng bị con trống rượt cắn te tua.  Nay, dù tôi không còn bay nhảy như xưa, hay "hót gọi mái" như con chim cu đất kia, nhưng tôi còn có được mấy người bạn một tuần vài lần rủ rê đi uống cà phê để nhìn người qua lại.  Hai, ba, bốn đứa ngồi chán chê thì tôi về nhà làm bạn với con cá thia thia của mình. 

Nghĩ cho cùng, cá thia thia đâu phải ở trong chậu này.  Giang sơn của nó phải là nơi đầm lầy có rong rêu, cỏ lác, bèo súng.  Ở đó tha hồ bơi lội, chừng chán chê thì về căn-nhà-nước-bọt kể cũng sướng quá chừng.  Còn ở trong chậu này thì khổ thân, có khác gì cuộc sống những người bạn tôi, những chiến hữu của tôi tự dưng bị cầm tù đày ải.  Còn tôi dù không bị ai giam cầm, nhưng giờ này không còn chút gì đam mê như hồi trẻ.  Bây giờ niềm vui là được viết lách, được nhấm nháp ngụm cà phê đầu ngày.  Bạn bè vài ba đứa nói chuyện đời xưa nhìn con cháu khôn lớn.  Có con cá thia thia làm bậu bạn cũng thú vị.  Được nghe tiếng gáy của con chim cu đất cũng vui tai. Nhưng nay chim kia đã xa bay, giống như tình yêu chợt đến rồi vội đi để lại lòng người hụt hẩng.  Tôi vẫn trông chờ tiếng chim cu gáy ban sáng, hay mong có phút nhiệm mầu để được sống lại niềm xúc cảm tưởng chừng đánh mất từ lâu . . .

                * * *

Sáng nay những tia nắng Xuân đầu ngày lung linh trên ngọn cây lao xao theo gió.  Những cụm hoa tươi còn đẫm sương đêm.  Hoa cúc bắt đầu trổ nụ hé vàng trên lối đi.  Sau vườn hoa bưởi trắng xóa, hương đưa thoang thoảng tuyệt vời.  Hôm nay trời thiệt đẹp.  Tôi hít đầy buồng phổi không khí trong lành ban mai.  Trên cao đôi chim cu sà xuống mái nhà.  Ồ!  Có thể đây là con chim cu gáy tôi mong bấy lâu, đưa bạn gái ghé thăm tôi chăng!  Thì ra lâu nay vắng tiếng gáy vì anh ta không còn lẻ bạn.  Hai con rỉa lông cho nhau thân thiết.  Cặp chim bay lên đáp xuống nô đùa vô tư, đuổi bắt trên mái nhà và cây cành chung quanh hạnh phúc cho tình yêu mới .  Tôi vui lây.  Cảm thấy tia sáng đầu ngày óng ánh hơn.  Tôi nhại tiếng chim cu gáy.  Đôi chim gục gặt liếc quanh tìm kiếm.   Rồi vụt bay, bỏ tôi ngẩn ngơ luyến tiếc.  Quay vào nhà, con cá thia thia phùng mang lượn quanh theo bóng tôi.  Cho vài hột thức ăn, nó đớp ngay, xong phun ra như trêu tức, hay chê thức ăn điểm tâm ngày nào cũng giống ngày nào nhàm chán vô vị. 

Tôi ngã lưng trên ghế, bên ngoài nắng đã lên cao.     

Mùi cà phê đầu ngày thơm phức, tôi hớp ngụm cà phê có cả chất ngọt và vị đắng cuộc đời . . . 

Phạm Văn Hòa