Tùy Bút

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI

Hoàng Minh Thúy

(Trích Xây Dựng #292 tháng 6, 1995)

 

Mùa bãi trường đã tới, nhắc nhở tôi hôm nay trời đã vào Hè.  Mùa Hè ở Houston không có hoa Phượng Vĩ rực trời, cũng chẳng nghe ve sầu kêu râm ran và học trò trên xứ Mỹ cũng chẳng có cái thú vui rất dễ thương của học trò VN ngày xưa ở quê nhà.  Những ngày xưa! Ôi những ngày xưa thân ái  mà có một lần anh bạn trong Nhóm Yêu Lính của chúng tôi, đã nhắc đến bằng đôi mắt lim dim và ước ao cho anh sống lại một tuần cái tuổi thơ ngây ngà ngọc đó, rồi bớt đi ba bốn năm tuổi thọ, anh cũng cam lòng. Có ai kéo bước chân của thời gian được? Chỉ khi nó đi qua rồi mình mới nuối tiếc, mới cảm thấy ngậm ngùi.

Hè này, năm ngoái (tháng 5 năm 1994), tôi đang cặm cụi đi xin tiền để tổ chức phát Học Bổng cho con em xuất sắc của gia đình Cựu Tù Nhân Chánh Trị Hoa Kỳ.  Chương trình này tôi đã “xin” được Năm Ngàn Năm Trăm  Hai Chục Đô La, để tặng cho 6 em vừa tốt nghiệp Trung Học, chuẩn bị cho học trình Đại Học.

Năm nay (tháng 5, 1995) nhiều phụ huynh gọi về ơi ới, để ghi danh vì “con tôi nó học rất giỏi” nhưng rất tiếc, quỹ Thương Phế Binh đã cạn, nên chúng tôi phải lo gây quỹ để giúp cho những người đang gặp khó khăn hơn. Chương Trình Dạ Vũ “Huynh Đệ Chi Binh” vừa chấm dứt với kết số 25 ngàn đô la và tiền vẫn tiếp tục được nhiều ân nhân gửi về.

Xong công tác, tôi bắt đầu được có một khoảng thời gian ngơi nghỉ để ngắm nắng hè trải vàng trên đường phố, để thảnh thơi nghe chim hót buổi sáng trên cành cây cao, để chợt nhớ ra rằng, sao mua hè ở quê hương mình có lắm ve sầu, mà nơi đây chỉ thấy những con sóc nhỏ chuyền cành, chỉ thấy bầy chim có bộ lông màu xanh ríu rít từng đôi.  Phải chăng, chỉ vì mình không còn thơ dại nữa, để một mình lanh quanh trong vườn, thơ thẩn kiếm trái ổi chín cây lấp ló đâu đó trong chùm lá xanh, hoặc ngắt một cành chùm ruột trái vừa lớn, đưa vào miệng nhai chóp chép, giật mình khi nghe tiếng ve cất lên kêu râm ran, inh ỏi.  Cái tuổi 12,13 của những ngày hè năm xưa được cha mẹ cho rời Sàigòn để về Nha Trang tắm biển, được xa cái ồn ào náo nhiệt của Sàigòn, sống trong căn nhà u tịch giữa một khu vườn rộng trên con đường dẫn đến Tháp Bà uy nghi.  Ba tháng dài rong chơi với những ngày chạy sang ngôi đền nhỏ kế bên, xem người lớn tổ chức hầu đồng và được bà đồng trong y phục màu sắc rực rỡ, sau một điệu nhảy, gọi đến xoa đầu, cho vài đồng bạc hoặc trái cây, bánh kẹo. Lũ trẻ ù té mang về, giấu đút ở một góc vườn để nhấm nháp vì sợ người lớn la mắng.  Một lần, tôi bị Cô Hai, người lớn tuổi nhất trong tộc, nắm đầu, kéo cổ về, vì:

-Mi đẹp gái như ri (như vậy), rũi đồng lên nhằm ông “Hoàng Tử” rồi ổng nhìn thấy, ổng lôi đi thì mấy O sẽ chết với Ba mạ mi.  (Người Huế thường gọi em gái của cha bằng O).

Tôi ngây thơ cãi:

-Ông “Hoàng tử” làm sao mà lôi con đi được?  Con.. còn con nít mà, ổng lôi con đi xuống “đó” làm cái gì?

-Thì người lớn, ổng lôi xuống làm….vợ. Còn con nít mà đẹp gái, dễ thương thì ổng cho làm …tỳ nữ!

-Nhưng O ơi! Ông ta lôi con xuống bằng cách nào?

-Thì ổng khiến cho mi bệnh hoạn rề rề, rồi làm cho mi chết để ổng bắt hồn mi đi!

-Con không tin đâu! Nếu ổng ngon lành sao ổng không bắt hồn mấy tên ăn cướp, mấy thằng ăn trộm, vật cho chết để khỏi làm khổ người ta nữa!

Tôi trả treo với O như vậy vì tôi nhớ ba tôi thường kể chuyện bà nội rất giàu, bị ăn cướp mất hết của, sinh buồn bực, bệnh hoạn rồi chết, giữa khi ba tôi còn thơ ấu.

Buổi tối, cả bọn mượn được “con cơ” đem về, hý hoáy, thì thụp đợi nửa đêm, chui vào phòng cô Út, chưa có gia đình.  Rồi cô cháu nhắm mắt, đặt tay vào miếng ván hòm cắt hình trái tim, thành khẩn đọc bài cầu cơ mà bây giờ bốn mươi năm rồi, vẫn còn thuộc lào lào:

Hồn nay ở chốn non bồng

Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi

Hồn bay cao bỗng tuyệt vời

Là hồn tử sĩ hay hồn giai nhân

Nén hương thơm ngát đốt rồi

Nước thơm sẵn có, xin mời hồn lên

Hồn lên chạy khắp bốn bên

Làm cho cơ động, cơ đi dần dần

Kìa cơ đã động ba chân

Cơ đi lần lần, xích lại cho …coi

Tôi nghe bà cô trẻ kể chuyện: con cơ được cắt từ miếng ván hòm của một cô gái còn trinh, đã qua đời vì một tai nạn.  Khi gia đình hốt cốt, đạo tỳ lấy miếng ván hòm về,  rửa sạch cắt thành hình trái tim, đem bán cho ai thích chơi cầu cơ.

Tôi nhìn miếng gổ cũ kỹ, gói trong giấy điều, thấy ba cái chân của con cơ được đóng đinh vào ba cái đinh ghim và khi cầu cơ thì ba ngón tay của ba người, phải đặt lên trên ba điểm này.  Bà cô trẻ của tôi năm ấy vừa quá hai mươi tuổi, độc thân nên thường tham gia chung cái vui của tuổi con nít 12, 13, mà cầu cơ là “nghề” của cô.  Cô đi kiếm mua con cơ hoài không được, mỗi lần muốn cầu thì phải đi mượn.  Cô thành khẩn trong việc mang chén gạo, pha tách trà nóng thơm nghi ngút đặt trước miếng giấy bìa cứng đầy những chữ, dấu, và con số, để cơ chạy và mình thì ráp chữ, xem cơ nói cái gì.

Nhớ lần tôi được tham dự đầu tiên, mấy cái miệng con gái vừa đọc xong ba hồi kinh cầu, thì cơ chuyển động, quay ngược, quay xuôi.  Tôi nín thở, thoạt đầu sợ hãi nhưng một phút sau.. tôi không tin.  Tôi rút ngón tay ra, nhìn đứa em, con của cô Hai, tôi gằn giọng:

-Ê! Mi đẩy hả!  Sao… nó chạy mau dữ vậy?

Con bé cong cớn gạt ngang:

-Đừng nói tầm bậy, hồn… vật chết bây giờ!

Cô Út gõ đầu tôi một cái đau điếng:

-Mi im cái miệng lại! Ôn (ông) biết.. la chết! Túi (tối) rồi không đi ngủ!

Hai đứa em gái ngồi sau lưng tôi, ngó chăm chú vào con cơ đang chuyển động, chạy tới, chạy lui,  lăng xăng. Thì ra hồn đang chờ người cầu cơ muốn hỏi cái gì.  Cô Út tôi nhỏ giọng, thì thầm:  

-Thưa! Hồn là ma, quỹ, hay thần thánh?

Cơ chạy qua chữ “Ma” rồi dừng ở đó. Tôi không tin, cứ nhình chăm bẩm ngón tay của con Hoa, là con của cô Hai, cùng một  lúc, tôi tì mạnh ngón tay của tôi đang đặt hời hợt trên chân con cơ. Nhưng cơ chạy rất mau, trở về vị thế chờ, nằm trong hình quả tim vẽ rất khéo. Sau đó, cơ không thèm chuyển động nữa mà cứ đứng ì ra, mặc dù chúng tôi đọc kinh cầu liên hồi.  Con Hoa buông tay nói dỗi:

-Thôi, không chơi nữa! Tại cái chị ni! Chị không tin làm hồn giận, thăng rồi!

Tôi cười hì hì:

-Mi đẩy! Tao không tin Ma dám vô nhà của Ôn (ông)! Bàn thờ Phật hai ba cái trong nhà! Ma nào dám vô?

Con nhỏ giận dữ, trầm giọng không dám lớn tiếng sợ đánh thức ông dậy:

-Vậy thì, đố chị giờ này dám ra phía sau vườn đóng một cây cọc xuống, thì ngày mai tôi đập heo đất lấy tiền để dành, đãi chị đi ăn bánh Căn mụ Hà.

Tôi cười:

-Dễ! Ngoéo tay nha! Không đãi thì tao mét mạ mi là mi xạo! Tao không sợ đâu!

Bàn cơ dẹp sang một bên.  Con Hoa đưa cho tôi một cây đũa. Tôi lấy dao lam, chuốt nhọn một đầu cho dễ ghim xuống đất, trong khi cô Út, đang ngồi chăm chú lằng nghe cuộc tranh cãi của hai đứa cháu, đứa nào cũng đang ở tuổi Trung Học là tuổi “nhất quỹ, nhì ma thứ ba học trò”.  Con Hoa giao hẹn:

-Phải ghim xuống đất nửa cây đó nha, chứ không phải dính sơ sơ, tui hổng chịu đâu!

Tất cả ngồi im trong phòng. 

Tôi mở cửa, rón rén đi qua nhà ngang, xuống tới nhà bếp, đến chỗ đang úm tro, lấy cục đá lớn kê nồi, mở cửa sau ra vườn.  Chu cha ơi, ngoài vườn tối thui, đâu có đèn đuốc chi! Tiếng côn trùng ri rả, tiếng ểnh ương ngoài đầm rau muống kêu ì ộp… Tôi cảm thấy lạnh sau gáy nhưng nhủ thầm, Ba mình nói rồi, không có ma cỏ gì đâu! Người ta bày ra vậy để nhát con nít hay khóc đêm thôi!

Trời tối đen, không một tí ánh sáng như Sàigòn của tôi, vì trong vườn nhiều cây cối quá, lại lọt thỏm vào một cái hẻm lớn mà đèn đường không soi thấu.  Tôi muốn quay vô nhà nhưng tự ái nên bậm gan, chạy ra chỗ cây ổi như lời đã hứa với con Hoa, cúi xuống, tay cầm cây đũa đã vót nhọn, tay cầm cục đá, đóng liên tục, thật mạnh cho cây đũa vào lòng đất.  Khi biết chắc cây đũa đã ghim xuống đất đến gần phân nữa, tôi đứng dậy chạy vụt vô nhà.  Nhưng trời ơi!  Ai đó đã kéo áo tôi lại.  Tôi không đứng dậy được! Sợ quá, tôi la bải hãi, gọi tên cô Út.  Hình như cả nhóm đang theo dõi tôi từ nhà bếp, nên tiếng kêu của con bé vừa bật ra là cô Út xuất hiện với cây đèn pin, trong khi mấy đứa nhỏ không đứa nào chạy theo.

-Mi la dữ vậy! Ôn dậy là bị đòn, bị chửi.

Thì ra, khi khom người xuống để ghim cây đũa, tôi đã.. đóng luôn vạt áo vào nền đất, cho nên khi đứng lên tôi bị kéo ghì lại. 

Lần đó, tôi được ăn bánh căn con Hoa đãi,   dám ra vườn ban đêm, nhưng cũng tởn hồn vì Hoa lý luận:

-Người khuất mặt họ linh lắm.  Họ…khiến như vậy cho chị  biết mặt. Họ không nỡ hại chị đó thôi.

Mùa Hè sau, tôi tham dự cuộc cầu cơ với tất cả lòng thành kính, vì con cơ tiên đoán tôi thi đậu Trung Học và nói đúng tên của ba tôi.  Hôm ngày rằm, mon men vào chỗ hầu đồng,  thì cô Út bảo:

-Mi… chừ đã trắng da dài tóc, ra mã con gái rồi, đừng lang thang qua đền, xui mà gặp ông Hoàng tử lên, ổng …bắt hồn!

Từ đó, mỗi lần ra Nha Trang, tôi không qua đền, không phải vì sợ ông Hoàng tử bắt hồn, mà vì đã tới tuổi mơ mộng, thích lang thang trong vườn nghe ve sầu kêu để làm thơ, thích ra biển lúc hoàng hôn để ngắm trăng lên, nhìn mặt trời xuống. Cô Út đi lấy chồng nên không có ai mượn con cơ về để cầu xin, để bói toán vẫn . Cái tuổi 12,13 nhảy lò cò, đánh đũa, chơi thiên đàng địa ngục, rồng rắn lên mây, cút bắt, bị mắt bắt dê…v…v… nay đã hết.  Tuổi 15, 16 thêu thùa may vá, làm thơ đã đi qua. Tuổi 18,20 cặm cụi sách đèn chưa chấm dứt thì chiến sự ngày một khốc liệt, đường xe lửa thường bị đặt mìn nên chị em chúng tôi không còn được đi nghỉ hè ở Nha Trang nữa, thì nhận tin chồng cô Út tử trận, để lại cho cô hai đứa con nhỏ xíu.

Một chục năm sau, khi đang làm ở USAID, tôi có việc ghé Nha Trang, gặp lại mấy đứa em con cô, con cậu ngày xưa...Bây giờ ai nấy đã lập gia đình, bận rộn với cơm áo, nuôi dạy con cái. Chúng tôi nhắc chuyện mùa Hè của một ngày xưa thân ái mà lòng rưng rưng.  Những lần ghé lại chốn cũ, tôi cũng đi ăn hàng, những hàng quà của mùa hè năm xưa như: bánh căn, bánh khoái, bún cá, nem nướng Ninh Hòa, chè đậu ngự chợ Đầm.  Tất cả vẫn vậy, nhưng không tìm được cái hương vị của tuổi 13,15, lúc đó sao mà ngon tuyệt vời.  Tôi ra bãi biển, ngồi phệt xuống bãi cát, nhớ da diết tuổi nhỏ hồn nhiên với những buổi chiều nắng ấm. Sau cuộc tắm mát, được ăn cơm nắm với ruốc hoặc cá bóng thệ kho khô, hoặc với chả Huế dòn tan, tung tăng bắt còng khi mặt trời xuống.  Về nhà, tôi giành cái giường ngủ nằm cạnh cửa sổ, để ngắm trăng, thưởng thức hương hoa thơm ngào ngạt từ ngoài vườn theo gió thoảng vào: hoa khế, hoa bưởi, hoa ngâu, hoa mận… Bây giờ, biển xanh vẫn còn đó, sóng vẫn ì ầm, mà trong đời sống đã có bao nhiêu đổi dời. Ông tôi đã qui tiên.  Những cây ăn trái ngày xưa nay đã tàn lụi, thay vào đó cô Hai tôi cất thêm nhà ngang, nhà dọc cho con cháu nay đã tăng trưởng đầy đàn.. túc. Đám anh em con chú, con bác, con cô, con cậu… người đã trở thành ông lớn, bà lớn; có kẻ  nấc thang cuối của xã hội với những nghề lao động cực khổ. Có anh đã phủi chân leo lên bàn thờ sau mấy năm vào lính; có chị, có em đã quấn vòng khăn tang cho cha, cho chồng.  Tất cả chỉ còn là một cái bóng kỷ niệm, mù mờ trong  võng mô của ánh mặt trời sắp lặn… Đó là những ngày cuối cùng của một Nha Trang dễ thương vào tháng 12 năm 1974.

                 * * *

Tôi vượt biên, rồi may mắn đến Hoa Kỳ (1982). Hôm nay.. buổi chiều mùa Hè, tôi mở máy thâu thanh, tình cờ nghe bản “Nha Trang Ngày Về”, sau đó được nghe một bài hát phổ biến nhân Kỷ Niệm Ngày Quân Lực.. Người ca sĩ nỉ non, thương tiếc người lính đã vị quốc vong thân, để lại chiếc nón sắt ngày nào anh ấp ủ, nằm bơ vơ bên bờ kinh rạch đìu hiu lau sậy… Bây giờ anh ở đâu? Anh ở đâu?

Những ca từ sầu muộn buồn bã, khiến tôi lại nhớ đến những ngày hè xưa cũ, cô Út hay dùng chiếc nón sắt để giã đậu phụng, làm cơm nắm muối mè, thức ăn cho bầy trẻ con đi biển… Chiếc nón sắt sau khi dùng xong được úp trên một nhánh cây gẫy ngang, sau giếng nước.  Không biết rằng, khi tôi được trở về thăm Nha Trang lần nữa, cô Út có còn đó và những khuôn mặt bà con xưa có còn chăng, sau một cuộc đổi đời dài, đầy biến động?

Hoàng Minh Thúy

(Xây Dựng số 292, phát hành ngày 24 tháng 6, 1995).